Địa phương đề xuất xây dựng Cảng hàng không Măng Đen, Na Hang, Mộc Châu

(VHGT) - Các tỉnh Kon Tum, Tuyên Quang, Sơn La vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung Cảng hàng không Măng Đen, Cảng hàng không Na Hang, Cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bài viết liên quan

Sân bay Măng Đen có quy mô, cấp sân bay cấp 4E

Cùng với việc kiến nghị cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Măng Đen vào quy hoạch, UBND tỉnh Kon Tum còn đề xuất Thủ tướng giao cho tỉnh này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Kon Tum, Cảng hàng không Măng Đen có quy mô, cấp sân bay cấp 4E, dự kiến xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, thị trấn Măng Đen có một số vị trí thuận lợi để xây dựng sân bay: quỹ đất sạch do địa phương quản lý, giao thông kết nối thuận lợi, gần quốc lộ 24 tốc độ gió nhỏ; khối lượng san bạt tĩnh không nhỏ; có mặt bằng bằng phẳng với khối lượng đào đắp không nhiều thuận tiện cho việc bố trí đường cất hạ cánh).

Công suất thiết kế của Cảng hàng không Măng Đen là từ 3 - 5 triệu hành khách/năm; diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350ha.

Sân bay Na Hang cấp 4C rộng 350ha

Đề xuất xây dựng Cảng hàng không Na Hang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, giao UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Theo lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, đây là vị trí dân cư thưa thớt, diện tích đất rộng lớn, địa chất vững chắc, bằng phẳng, đồng thời gần Khu Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, gần các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 279, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 280 và kết nối thuận lợi với trung tâm và cửa khẩu các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kan...

Quy mô đề xuất là khoảng 350 ha, trong đó quy mô cảng hàng không, sân bay cấp 4C diện tích khoảng 280 ha và sân bay quân sự cấp II diện tích khoảng 70 ha.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng dự kiến quá trình phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2030 sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trên cơ sở chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư sân bay chuyên dùng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và khai thác một số tuyến bay quốc tế, phục vụ tìm kiếm cứu nạn và quốc phòng an ninh).

Giai đoạn 2, sau năm 2030, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh thành cảng hàng không cấp 4C. Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý chủ trương cho phép cập nhật Cảng Hàng không Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép tiến hành các thủ tục đầu tư đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Cảng hàng không Mộc Châu cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn

Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên (cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, địa hình phong phú) về xã hội (với 12 dân tộc giàu bản sắc truyền thống) và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế du lịch phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Lượng khách đến với Sơn La đạt khoảng 2,5 triệu lượt người năm 2019; tăng trưởng nhanh, ổn định ở mức khoảng 23,2%/năm (tỷ lệ khách quốc tế là 31,84%; khách du lịch nội địa là 22,91%).

Theo đề xuất của Sơn La, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài ≥ 1.800m. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350ha; đến năm 2050 khoảng 500ha.

Dự kiến tổng mức đầu tư CHK Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài các tuyến đường bay nội địa đi/đến TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc..., địa phương còn muốn khai thác các đường bay quốc tế đi/đến khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan), KualaLumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia)...).

Linh Đan

Tags